Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có trách nhiệm thế nào? Nhân viên bảo vệ có bắt buộc phải có Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ không? Ai có thẩm quyền cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ? Mời bạn cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
1, Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ
Căn cứ quy định tại Điều 32 Nghị định 96/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 56/2023/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có các trách nhiệm sau:
– Trách nhiệm được quy định tại Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
– Tuyển chọn, sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có tiền án về các tội giết người, cố ý gây thương tích, các tội xâm phạm sở hữu;
+ Có bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP).
+ Có giấy khám sức khỏe của trung tâm y tế, bệnh viện từ cấp huyện trở lên xác nhận có đủ sức khỏe để lao động;
+ Có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên;
+ Không sử dụng người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh hoặc trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh hoặc làm nhân viên dịch vụ bảo vệ.
– Chỉ sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ đã được đào tạo và được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ.
– Có hợp đồng lao động với nhân viên dịch vụ bảo vệ theo quy định của pháp luật.
– Chỉ thực hiện việc đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ sau khi cơ quan Công an có thẩm quyền có văn bản thẩm duyệt nội dung giáo trình và chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ.
– Cấp biển hiệu, trang phục (có logo gắn trên áo đã đăng ký với cơ quan Công an có thẩm quyền) cho nhân viên bảo vệ thuộc quyền quản lý.
– Ký hợp đồng kinh tế cung cấp dịch vụ bảo vệ trước khi triển khai công tác bảo vệ.
– Không được thực hiện dịch vụ bảo vệ cho các đối tượng, mục tiêu hoặc hoạt động trái quy định của pháp luật.
– Trong thời hạn 05 ngày kể từ khi triển khai mục tiêu bảo vệ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ngoài phạm vi cơ sở kinh doanh đặt trụ sở, phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; danh sách nhân viên dịch vụ bảo vệ và số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ (nếu có) tại mục tiêu bảo vệ đó gửi cho Công an xã, phường, thị trấn nơi triển khai mục tiêu bảo vệ.
– Đối với cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, phải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền bản thống kê danh mục máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ do cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư, kèm theo tài liệu định giá đối với máy móc, phương tiện kỹ thuật của cơ quan quản lý giá từ cấp tỉnh trở lên.
Có thể bạn cũng sẽ quan tâm tới bài viết: Công ty bảo vệ bắt nhân viên đóng toàn bộ tiền BHXH là đúng hay sai?
2, Nhân viên bảo vệ bắt buộc phải có Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ không?
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì “Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ là văn bản của cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho nhân viên dịch vụ bảo vệ đạt yêu cầu trong đợt sát hạch”.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ chỉ được sử dụng các nhân viên dịch vụ bảo vệ đã được đào tạo và được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ.
Do đó, nhân viên bảo vệ bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ để được cung cấp dịch vụ bảo vệ.
Có thể bạn cũng sẽ quan tâm tới bài viết: Những kỹ năng và phẩm chất cần có của một nhân viên bảo vệ
3, Thẩm quyền cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì:
– Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an chịu trách nhiệm:
+ Chủ trì sát hạch và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho nhân viên dịch vụ bảo vệ được đào tạo tại cơ sở kinh doanh có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ; trung tâm dạy nghề của các trường Công an nhân dân; trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Bộ Công an có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ.
+ Thẩm duyệt giáo trình và chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ cho các cơ sở được đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
– Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm chủ trì sát hạch và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho nhân viên dịch vụ bảo vệ đã được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ do đơn vị thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức.
Theo đó, căn cứ vào nơi nhân viên dịch vụ bảo vệ đã được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ mà cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ mà cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ được xác định là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an hoặc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc.
Như vậy, khi hành nghề bảo vệ thì nhân viên bảo vệ phải được đào tạo và được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ.